Vũ Dân Tân
1946-2009
Vũ Dân Tân là một nghệ sĩ “cá biệt” trong làng nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ông tự học nghệ thuật và thực hành dựa trên nghệ thuật ý niệm liên quan đến vẽ tranh, phác thảo, điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt đa chất liệu. Thành thạo âm nhạc và văn học, các tác phẩm của ông thường tham chiếu và lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống Việt Nam, thần thoại Hy Lạp, các tác phẩm văn học cổ điển và văn hóa đại chúng. Những phát minh bình dị của ông thường được làm từ các vật liệu dễ dàng được tìm thấy trong cuộc sống, chẳng hạn như bìa các-tông, báo, hộp bánh quy, lon và đĩa than. Thông thường, ông sẽ sáng tạo những sinh vật huyền bí và các nhân vật hư cấu từ thế giới tưởng tượng của mình.
Thực hành nghệ thuật và đời sống xã hội của hoạ sĩ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Năm 1990, ông cùng vợ, Natasha Kraevskaia, thành lập Salon Natasha, không gian nghệ thuật duy nhất lúc bấy giờ không chịu sự giám sát của chính phủ để trưng bày các tác phẩm thử nghiệm của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam và nước ngoài. Không gian này vừa là nhà, vừa là xưởng vẽ và phòng tranh để tổ chức triển lãm và sự kiện. Đây như một nơi gặp gỡ cho các nghệ sĩ và trí thức bất kể nguồn gốc văn hoá của họ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được trưng bày là sản phẩm của sự kết hợp giữa thiên nhiên với nghệ thuật - các nghệ sĩ sẽ sáng tác tại không gian, trao đổi ý tưởng và kể cả làm việc cùng nhau trên một tác phẩm. Theo một cách nào đó, Salon Natasha là nơi chứng kiến sự khởi đầu của nghệ thuật ý niệm tại Việt Nam.
Sinh năm 1946 tại Hà Nội, Vũ Dân Tân không được tiếp cận với giáo dục chính quy khi còn nhỏ. Cha ông là nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896-1960), được biết đến với vở kịch "Chén thuốc độc," với phong cách ảnh hưởng phương Tây, được trình diễn lần đầu tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào năm 1921. Vũ Dân Tân làm việc tại xưởng phim hoạt hình của Đài truyền hình Hà Nội trước khi bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật vào những năm 1980. Hoạt động trong giới nghệ thuật phi truyền thống vào những năm 1980, Vũ Dân Tân và Natalia Kraevskaia thường xuyên lui tới xưởng vẽ của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái và quán Cà Phê Lâm, nơi các nghệ sĩ thường tụ họp. Cho đến khi ông đột ngột qua đời năm 2009, Vũ Dân tân được coi là một trong những nghệ sĩ đương đại quan trọng nhất tại Việt Nam.